Bản đồ hóa chỉ số nghèo Việt Nam

Bản đồ hóa chỉ số nghèo Việt Nam

Chúng ta có thể tìm hiểu tỷ lệ nghèo tại web MapVietnam tại địa chỉ www.worldbank.org/mapvietnam/ trong đó cung cấp số liệu kinh tế xã hội cấp tỉnh và huyện của Việt Nam. Mục đích của trang web là cung cấp thông tin cho các phóng viên, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, và tất cả những người dân cần thông tin về tình hình kinh tế xã hội tại địa phương. Bản đồ sẽ cung cấp các thông tin đa dạng về Việt Nam mà nếu chỉ nhìn vào con số thống kê tổng hợp thì rất khó để hình dung. Thông tin trên trang web được cung cấp cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Sử dụng trang web như thế nào? Di chuyển con trỏ vào chỉ số thống kê ở cột bên trái, sau đó di chuyển con trỏ lên bản đồ. Nhấp chuột vào tên tỉnh để kéo thông tin tóm tắt của tỉnh lên. Nhấp đúp chuột để phóng to và nhấp chuột vào các huyện được đánh dấu.  Bạn có thể tải về số liệu và nguồn, cả cấp tỉnh và huyện. Tìm hiểu thêm tại đây.

Hầu hết thông tin cung cấp trên trang web được lấy từ Điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009. Đây là nguồn số liệu cấp huyện mới nhất của hầu hết các tiêu chí. Các nguồn khác – các cuộc điều tra hộ gia đình và số liệu hành chính gần đây hơn – chỉ áp dụng được cho tính toán các tiêu chí tổng hợp cấp vùng và cấp tỉnh. Trên bản đồ cũng cung cấp số ước tính về tình trạng nghèo dựa trên thu nhập gần đây nhất (2013) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, và tỉ lệ trẻ còi xương (suy dinh dưỡng) ở cấp tỉnh.

Một số điều quan sát thấy từ bản đồ:

  • Tỉ lệ nghèo tại vùng núi phía bắc, nhất là khu vực cực bắc và biên giới Tây Bắc, là cao nhất, dù đo lường theo bất kỳ 5 chỉ số nào. Tỉ lệ nghèo Tây Nguyên cũng cao. Trong nội bộ các vùng đó, mức độ chênh lệch cũng rất cao, một số huyện có tỉ lệ nghèo thấp hơn nhiều so với mức trung bình.
  • Mục tiêu kép của Ngân hàng Thế giới là xoá nghèo cùng cực và nâng cao thu nhập cho nhóm 40% dân số nghèo nhất theo chuẩn quốc gia. Bản đồ cho thấy một tỉ lệ lớn dân số ở nông thôn của Việt Nam rơi vào nhóm 40% này. Các thành phố lớn, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng, có ít người nằm trong diện 40% nghèo nhất. Tại huyện Từ Liêm và quận Tây Hồ (Hà Nội), nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống (tôi cũng sống ở đó) chỉ có 1% thuộc nhóm 40%. Trái lại, huyện như Da Krong (Quảng Trị) mà tôi vừa đi thăm tuần trước có tới 92% dân số nằm trong nhóm 40%.
  • Tỉ lệ có điện tại Việt Nam, căn cứ vào tỉ lệ sử dụng điện làm nguồn chiếu sáng chính, cao kinh ngạc. Mức trung bình cả nước là trên 90%, tại các vùng sâu vùng xa phía bắc và tây bắc là trên 70%.
  • Về dinh dưỡng và vệ sinh, Việt Nam đã tiến bộ đáng kể nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện. Chỉ có tại khu vực thành phố thì tỉ lệ sử dụng cầu tiêu giật nước mới cao. Tỉ lệ suy dinh dưỡng trung bình cả nước (được đo bằng tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị còi xương) cao một cách đáng ngạc nhiên—khoảng 20-40%, trừ các thành phố lớn nhất.

Hãy tham khảo bản đồ và chia sẻ với chúng tôi những phát hiện thú vị của bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *